Văn bản về dạy thêm học thêm

Tên file: 28_HD-2-buổi-ngày-và-DTHT-từ-2017-SGD.doc
Tải về
Tên file: Huongdan_DTHT_từ-2017-2018-mới-QĐ02PGDTN.signed.pdf
Tải về

UBND TỈNH ĐỒNG THÁP                            CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO                                         Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Đồng Tháp, ngày 27 tháng 02 năm 2017

Số: 28 /SGDĐT-TTr
V/v hướng dẫn thực hiện dạy học
2 buổi/ngày và dạy thêm, học thêm

Kính gửi:
– UBND các huyện, thị xã, thành phố;
– Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở.

Căn cứ Công văn số 7291/BGDĐT-GDTrH ngày 01/11/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học;
Căn cứ Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ GDĐT ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm; Quyết định số 02/2017/QĐ-UBND ngày 04 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Quy định dạy thêm, học thêm (DTHT) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp;
Sở GDĐT hướng dẫn thực hiện dạy học 2 buổi/ngày và DTHT như sau:
A. DẠY HỌC 2 BUỔI/NGÀY VÀ DTHT TRONG NHÀ TRƯỜNG
I. Khái niệm
1. Dạy học 2 buổi/ngày
Là hoạt động dạy học của lớp chính khóa có tăng thời lượng dạy học 2 buổi/ ngày, theo chương trình và kế hoạch thời gian của Bộ GDĐT, được cấp quản lý trực tiếp phê duyệt, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy học và các hoạt động giáo dục khác, hạn chế tình trạng DTHT không đúng quy định. Kinh phí tổ chức do cha mẹ học sinh tự nguyện đóng góp và sự hỗ trợ từ ngân sách (nếu có), chi theo quy định.
2. Dạy thêm, học thêm
Là hoạt động dạy học phụ thêm thu tiền từ người học có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GDĐT ban hành. Kinh phí tổ chức hoàn toàn do người học đóng góp, chi theo quy định.
II. Hình thức tổ chức
1. Dạy học 2 buổi/ngày
a. Nội dung chương trình
Theo nội dung chương trình của Bộ GDĐT hiện hành, có tăng thêm thời lượng,
bao gồm:
– Kiến thức, kỹ năng, thái độ của các môn học.
– Các hoạt động giáo dục: Hướng nghiệp; ngoài giờ lên lớp; nghề phổ thông; giá trị sống và kỹ năng sống; hoạt động tập thể, văn nghệ, thể thao.
b. Thời gian, thời lượng
– Thời gian dạy học trong ngày gồm có 2 buổi; từ thứ hai đến thứ bảy trong tuần đối với THPT, THCS; từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần đối với Tiểu học.
– Thời lượng dạy trong ngày không quá 08 tiết đối với THPT và 07 tiết đối với Tiểu học và THCS. Riêng các trường có dạy ngoại ngữ tăng cường thực hiện theo hướng dẫn từng năm học của Sở GDĐT.
c. Đối tượng học
Học sinh tự nguyện đăng ký học sau khi được nhà trường giới thiệu về kế hoạch dạy học, sự thụ hưởng và nghĩa vụ của học sinh lớp dạy học 2 buổi/ngày và được đa số cha mẹ học sinh (CMHS) thống nhất.
d. Biên chế lớp học
Buổi học thứ nhất và buổi thứ hai theo lớp chính khóa. Khi cần thiết, buổi thứ hai có thể tách ra học riêng theo nhóm các môn, các hoạt động, do học sinh tự chọn.
đ. Đội ngũ giáo viên
Là giáo viên trong biên chế của trường do Hiệu trưởng phân công và có thể hợp đồng thỉnh giảng giáo viên khác khi có nhu cầu.
2. Dạy thêm, học thêm
a. Nội dung chương trình
– Theo nội dung chương trình của Bộ GDĐT hiện hành, nhưng dạy phụ thêm ngoài giờ chính khóa của Bộ GDĐT quy định. Nội dung DTHT gồm củng cố hoặc nâng cao kiến thức đã học chính khóa.
– Không tổ chức DTHT các môn văn hóa bậc tiểu học. Các trường Tiểu học chỉ có thể dạy bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
b. Thời gian, thời lượng
– Thời gian DTHT được thực hiện ngoài buổi học chính khóa (nhưng kéo dài không quá 19 giờ 30 của ngày) phải đảm bảo sức khỏe, an toàn cho học sinh và được CMHS thống nhất 100%.
– Thời lượng DTHT mỗi môn học/ tuần không quá 2 buổi, mỗi buổi không quá 90 phút.
c. Đối tượng học
– Học sinh (được sự đồng ý của cha mẹ) tự nguyện làm đơn đăng ký học thêm
theo trình độ phù hợp.
d. Biên chế lớp học
Không tổ chức lớp DTHT theo các lớp học chính khóa. Học sinh lớp DTHT phải có trình độ tương đồng nhau, trên cơ sở năng lực học sinh. Khuyến khích xếp lớp, nhóm theo sự chọn lựa của học sinh.
đ. Đội ngũ giáo viên
Là giáo viên trong biên chế của trường, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công, có đơn đăng ký dạy thêm và được Hiệu trưởng chấp thuận ( đính kèm mẫu 1).
III. Kinh phí
1. Dạy học 2 buổi/ ngày
1.1. Nguồn kinh phí
Thứ nhất là nguồn thu từ học sinh, có sự thỏa thuận với CMHS. Thứ hai là ngân sách nhà nước hỗ trợ (nếu có).
1.2. Thu, chi
– Thu theo nguyên tắc lấy thu bù chi, có sự thỏa thuận thống nhất bằng văn bản với Ban đại diện cha mẹ học sinh; miễn giảm cho học sinh thuộc diện chính sách; khấu trừ đối với giáo viên chưa đủ tiết chuẩn theo quy định. Riêng trường Tiểu học nếu đủ định biên 1.5 giáo viên/lớp thì không thu tiền học sinh.
– Chi theo Công văn số 72/UBND-PPLT ngày 05 tháng 03 năm 2010 của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc hướng dẫn tỷ lệ chi học phí 02 buổi/ngày.
1.3. Quản lý thu, chi
Thực hiện theo mục III của Công văn 60/SGDĐT-STC ngày 13/01/2016 của Sở GDĐT và Sở Tài Chính về việc hướng dẫn thu, chi, quản lý phí dạy 2 buổi/ngày, dạy song ngữ, bán trú, giữ trẻ tại các cơ sở giáo dục được áp dụng từ học kỳ II năm học 2015-2016.
2. Dạy thêm, học thêm
2.1. Nguồn kinh phí
Thu hoàn toàn từ người học.
2.2. Thu, chi
* Mức chi
Tổng thu sau khi nộp thuế theo quy định là 2%, số còn lại (98% được xem như 100%), chi theo tỉ lệ các nội dung sau:
a. Chi 80% cho giáo viên giảng dạy và chủ nhiệm lớp DTHT (Hiệu trưởng quy định tỷ lệ % cho chủ nhiệm lớp DTHT trong 80%), mức tối đa/tiết như sau:
– Tiểu học (chỉ áp dụng cho hoạt động bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao,
rèn luyện kỹ năng sống) không quá 4,5% mức lương cơ sở/tiết.
– THCS: không quá 6,5% mức lương cơ sở/tiết.
– THPT: không quá 8,0% mức lương cơ sở/tiết.
– Lớp chuyên, lớp chọn, lớp nâng cao THCS, THPT: tăng không quá 2 lần so với lớp bình thường.
b. Chi 10% cho việc tăng cường cơ sở vật chất, điện, nước, mua sắm trang thiết bị, tài liệu, văn phòng phẩm, mua biên lai và chi khác phục vụ trực tiếp cho việc dạy thêm, học thêm.
c. Chi 10% cho công tác quản lý điều hành, kiểm tra gồm: 4,5% cho người ghi danh thu tiền, kế toán và thủ quỹ thu, chi, quyết toán, công khai định kỳ, viết hóa đơn, báo cáo; 4,0% bồi dưỡng công tác quản lý, điều hành và 1,5% bồi dưỡng công tác kiểm tra.
* Mức thu
Thủ trưởng đơn vị căn cứ mức chi tại điểm a, b, c, mục 2.2, III Công văn này làm cơ sở để xác định mức thu học sinh/tiết dạy của giáo viên, cộng khoản tăng cường cơ sở vật chất và quản lý là 20%. Mức thu thực hiện theo tháng, quý hoặc học kỳ. Có chế độ miễn giảm cho học sinh thuộc diện chính sách xã hội.
Ví dụ:
Lớp DTHT môn Toán THPT có 40 học sinh đăng ký học, thì định mức thu 01 học sinh/ 01 tiết được tính như sau:
– Mức thu để trả thù lao cho GV: 1.210.000 đ x 8% = 96.800đ.
– Mức thu tăng cường cơ sở vật chất và quản lý:(96.800đ / 80) x 20 = 24.200đ)
Tổng số tiền thu: 96.800đ + 24.200đ = 121.000đ
Mức thu 01 học sinh/01 tiết: 121.000đ/ 40hs tương đương 3.025đ
Căn cứ vào mức chi, xây dựng kế hoạch thu để đảm bảo thu bằng chi.
2.3. Quản lý thu, chi
Thực hiện theo các văn bản quy định hiện hành về nghĩa vụ thuế, công tác quản lý tài chính (đính kèm phụ lục).
IV. Quản lý, điều hành dạy học 2 buổi/ngày hoặc DTHT
Thủ trưởng thực hiện các nội dung sau để quản lý điều hành, kiểm tra nhằm đảm bảo chất lượng tổ chức dạy học 2 buổi/ngày hoặc DTHT.
1. Thành lập Ban quản lý điều hành dạy học 2 buổi/ngày hoặc DTHT, thành phần gồm: Thủ trưởng đơn vị, các phó thủ trưởng; đại diện tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Ban Đại diện cha mẹ học sinh (CMHS); tổ trưởng Tổ Văn phòng.
Ban quản lý điều hành có trách nhiệm bao quát các nội dung gồm: Thông tin tuyên truyền, công khai minh bạch; tổ chức các lớp học, phân công giáo viên giảng dạy; lập hồ sơ, thống kê số liệu về nền nếp và chất lượng dạy học; quản lý thu chi, quyết toán, công khai thu chi.
2. Thành lập Tổ kiểm tra hoạt động dạy học 2 buổi/ngày hoặc DTHT. Tổ kiểm tra do thủ trưởng phụ trách và chọn một số tổ trưởng, giáo viên có phẩm chất, chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ làm thành viên.
Việc kiểm tra được thực hiện thường xuyên và đột xuất khi có yêu cầu.
3. Công khai “số điện thoại nóng” để tiếp nhận các phản ánh góp ý của CMHS và nhân dân về dạy học 2 buổi/ngày hoặc DTHT.
4. Mở “góc thông tin” về dạy học 2 buổi/ngày hoặc DTHT tại bảng thông tin của đơn vị gồm: Văn bản hướng dẫn, quy định; kế hoạch dạy học; việc thu chi; kết quả giải quyết, xử lý sai phạm có liên quan.
5. Báo cáo hoạt động dạy học 2 buổi/ngày hoặc DTHT về cấp quản lý trực tiếp 2 lần/ năm vào cuối học kỳ 1 và cuối năm học.
6. Kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày của trường phải gửi Phòng GDĐT (đối với trường THCS, TH), gửi Sở GDĐT (đối với trường THPT) trình lãnh đạo phê duyệt. Kế hoạch DTHT theo năm học gửi về Sở GDĐT (qua Phòng Giáo dục Trung học-Thường xuyên và Chuyên nghiệp) đối với các đơn vị trực thuộc Sở, gửi về Phòng GDĐT đối với các đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện để báo cáo thay thế hồ sơ xin cấp phép DTHT.
7. Sở GDĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục tham mưu tăng cường cơ sở vật chất để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không khuyến khích tổ chức DTHT trong nhà trường.
B. DẠY THÊM HỌC THÊM NGOÀI NHÀ TRƯỜNG
I. Điều kiện, thủ tục hồ sơ xin cấp phép
1. Điều kiện xin cấp phép
Tổ chức, cá nhân chỉ xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động DTHT cho một cơ sở, trực tiếp quản lý. Nếu mở thêm điểm phụ, phải có văn bản đề nghị và được thẩm định cơ sở vật chất; điểm phụ phải thuộc cùng địa bàn cấp xã.
2. Thủ tục hồ sơ xin cấp phép
a. Đơn xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận các nội dung quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 8 của QĐ 02/2017; (đính kèm mẫu 2)
b. Danh sách trích ngang người tổ chức hoạt động DTHT; danh sách trích ngang người đăng ký dạy thêm; (đính kèm mẫu 3)
c. Đơn xin dạy thêm có dán ảnh của người đăng ký dạy thêm và có xác nhận của thủ trưởng quản lý (công chức, viên chức) hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (không phải công chức, viên chức) xác nhận các nội dung quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 8 của QĐ 02/2017; (đính kèm mẫu 4)
d. Bản sao hợp lệ giấy tờ xác định trình độ đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ sư
phạm của người tổ chức hoạt động DTHT; người đăng ký dạy thêm (người không
thuộc các cơ sở giáo dục công lập);
đ. Giấy khám sức khoẻ do bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên hoặc Hội đồng giám định y khoa cấp cho người tổ chức DTHT; người đăng ký dạy thêm (không thuộc biên chế nhà nước);
e. Kế hoạch tổ chức hoạt động DTHT nêu rõ các nội dung về: Đối tượng học thêm, nội dung dạy thêm, địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức dạy thêm, mức thu tiền học thêm, phương án tổ chức DTHT. (đính kèm mẫu 5)
II. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động DTHT
1. Tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động DTHT gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động DTHT, cụ thể như sau:
– Tổ chức DTHT có nội dung thuộc chương trình trung học phổ thông hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là trung học phổ thông, nộp hồ sơ tại Trung tâm hành chính công tỉnh. Sở GDĐT giao phòng Tổ chức Cán bộ phối hợp với Thanh tra thẩm định, kiểm tra cơ sở vật chất, tham mưu trình Giám đốc cấp giấy phép tổ chức DTHT.
– Tổ chức DTHT có nội dung thuộc chương trình trung học cơ sở và tiểu học (bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao) nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện hoặc Phòng GDĐT. Phòng GDĐT tổ chức thẩm định, kiểm tra cơ sở vật chất và cấp giấy phép tổ chức DTHT (nếu được UBND cấp huyện ủy quyền).
2. Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp giấy phép tổ chức hoạt động DTHT hoặc trả lời bằng văn bản việc không đồng ý cho tổ chức hoạt động DTHT.
III. Thời hạn, gia hạn giấy phép tổ chức hoạt động DTHT
a. Thời hạn của giấy phép tổ chức hoạt động DTHT tối đa là 24 tháng; trước khi hết hạn 01 tháng phải tiến hành thủ tục gia hạn, nếu có nhu cầu.
b. Thủ tục gia hạn giấy phép tổ chức hoạt động DTHT thực hiện như điểm a, đ của mục 2, I, B công văn này và các bổ sung, thay đổi nếu có.
IV. Thu, chi phí DTHT
– Mức thu tiền học thêm do chủ cơ sở tổ chức DTHT thỏa thuận với người học trên cơ sở chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
– Tổ chức, cá nhân tổ chức DTHT thực hiện các quy định hiện hành về quản lý tài chính; thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ khác theo quy định.
V. Quản lý, điều hành DTHT
1. Chủ cơ sở tổ chức DTHT
– Niêm yết công khai: Giấy phép tổ chức hoạt động DTHT, danh sách giáo viên
dạy thêm, thời khóa biểu, mức học phí.
– Thực hiện và lưu các loại hồ sơ gồm: Hồ sơ xin cấp giấy phép lần đầu (bản photo), giấy phép tổ chức hoạt động DTHT đã được cấp (bản chính), đơn đăng ký giảng dạy của giáo viên (bản chính); hợp đồng lao động với giáo viên, nhân viên (bản chính); sổ gọi tên ghi điểm các lớp, nhóm học thêm, sổ ghi đầu bài các lớp, nhóm học thêm (bản chính).
– Tự kiểm tra, theo dõi hoạt động DTHT đối với giáo viên, học viên. Báo cáo hoạt động DTHT về Sở GDĐT (qua phòng TCCB) đối với cơ sở DTHT do Sở GDĐT cấp phép; về phòng GDĐT đối với cơ sở DTHT do UBND cấp huyện hoặc phòng GDĐT cấp phép mỗi năm 02 lần, vào tháng 01 và tháng 6 hàng năm; trong báo cáo lồng ghép việc thay đổi, bổ sung cơ sở vật chất và giáo viên.
– Ký Cam kết DTHT đúng quy định và công khai tại cơ sở (đính kèm mẫu 6).
– Không tổ chức DTHT cho học sinh đã học 2 buổi/ngày, trừ luyện thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12.
2. Tự tổ chức DTHT tại điểm a, khoản 4, Điều 4, Quyết định 02/2017/QĐ-UBND ngày 04 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Quy định DTHT trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
Sở GDĐT ủy quyền Hiệu trưởng các trường THPT tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép dạy thêm ngoài nhà trường, thẩm định cơ sở vật chất; cấp giấy phép cho từng cá nhân theo năm học; quản lý, kiểm tra, xử lý nếu có vi phạm.
Báo cáo danh sách cá nhân giáo viên dạy thêm diện này về Sở GDĐT (qua phòng TCCB) trong tháng 9 của từng năm học.
3. Dạy gia sư
Gia sư là gia đình mời giáo viên về nhà dạy cho con cháu theo yêu cầu của gia đình và dạy tối đa không quá 4 học sinh, không phải là loại hình DTHT nhưng không được dạy trước chương trình học sinh đang học. Giáo viên trong biên chế tham gia gia sư phải báo cáo Hiệu trưởng về địa chỉ, đối tượng, nội dung gia sư để quản lý, kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra, nếu chủ gia đình không hợp tác thì Hiệu trưởng phối hợp với chính quyền địa phương cùng thực hiện.
4. Đối với các cháu còn trong độ tuổi học mẫu giáo chưa học lớp 1, tuyệt đối nghiêm cấm các tổ chức và cá nhân tổ chức dạy trước chương trình lớp một cho đối tượng này.
C. TỔ CHỨC DẠY THÊM, HỌC THÊM TRONG HÈ
Để tạo điều kiện cho học sinh vui chơi giải trí, hoạt động xã hội trong hè, tất cả các đơn vị, cá nhân tổ chức DTHT thực hiện nghiêm các nội dung sau:
1. Không được tổ chức DTHT trong hè từ ngày 01/6 đến ngày 15/7 hằng năm, trừ ôn thi vào lớp 10, thi THPT quốc gia.
2. Từ sau ngày 15 tháng 7 đến ngày tựu trường các đơn vị, cá nhân có thể tổ chức DTHT để ôn tập kiến thức cho học sinh, tuyệt đối không được dạy trước chương trình.
D. THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
I. Thanh tra, kiểm tra
– Sở và Phòng GDĐT có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy học 2 buổi/ngày, DTHT định kỳ, đột xuất ít nhất 2 lần/năm, đồng thời kiểm tra theo đơn thư phản ánh của công dân. Công bố đường dây nóng và tiếp nhận thông tin phản ánh các tiêu cực về dạy học 2 buổi/ngày, DTHT trong và ngoài nhà trường.
– Sở GDĐT ủy quyền cho Hiệu trưởng trường THPT kiểm tra giáo viên của trường tham gia dạy thêm tại các cơ sở DTHT do Sở GDĐT cấp phép ít nhất 01 lần/năm và kiểm tra đột xuất khi có yêu cầu, xử lý giáo viên vi phạm và đề xuất xử lý chủ cơ sở DTHT, nếu có vi phạm.
– Phòng GDĐT ủy quyền cho Hiệu trưởng các trường THCS kiểm tra giáo viên của trường tham gia dạy thêm tại các cơ sở DTHT do UBND cấp huyện hoặc Phòng GDĐT cấp phép ít nhất 01 lần/năm và kiểm tra đột xuất khi có yêu cầu, xử lý giáo viên vi phạm và đề xuất xử lý chủ cơ sở DTHT, nếu có vi phạm.
– Phòng GDĐT tham mưu UBND cấp huyện hướng dẫn và chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 13, Quyết định số 02/2017/QĐ-UBND ngày 04 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Quy định DTHT trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
II. Xử lý vi phạm
1. Dạy học 2 buổi/ngày
Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức, Nghị định số 27/2012NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.
2. Dạy thêm, học thêm
– Trong quá trình tổ chức DTHT đơn vị, cá nhân sai phạm những Quy định về DTHT thì bị thu hồi giấy phép dạy thêm hoặc bị đình chỉ hoạt động DTHT. Khi bị thu hồi giấy phép dạy thêm, ít nhất sau 12 tháng mới được xem xét cấp giấy phép lần thứ hai. Nếu giấy phép lần thứ hai bị thu hồi thì không được cấp giấy phép nữa.
– Thanh tra Sở hoặc Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở và Phòng GDĐT có quyền lập biên bản tạm giữ giấy phép dạy thêm khi phát hiện có sai phạm; lập tờ trình người cấp giấy phép ra Quyết định thu hồi giấy phép dạy thêm theo quy định.
– Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định số 138/NĐ-CP ngày 19/10/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức, Nghị định số 27/2012NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.
E. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
– Công văn hướng dẫn này áp dụng kể từ ngày 01/03/2017;
– Công văn này thay thế các văn bản sau đây của Sở GDĐT Đồng Tháp: Công văn số 1340/SGDĐT-GDTrH ngày 05 tháng 11 năm 2010 về việc hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với trường trung học, Công văn số 131a/SGDĐT-TTr ngày 12 tháng 8 năm 2014 về việc hướng dẫn dạy thêm, học thêm theo Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND; Hướng dẫn số 18/HD-SGDĐT ngày 06 tháng 8 năm 2014 về tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và bán trú cấp tiểu học kể từ năm học 2014-2015; Công văn số 55/SGDĐT- GDTrH -TXCN ngày 23 tháng 01 năm 2017 về việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày trong trường trung học từ học kỳ 2 năm học 2016-2017.
Trong quá trình thực hiện nếu có gì khó khăn vướng mắc, yêu cầu các đơn vị, báo cáo kịp thời về Sở GDĐT (qua Thanh tra Sở) để được hướng dẫn thống nhất./.

Nơi nhận: GIÁM ĐỐC
-Như trên (thực hiện);
-Phòng GDĐT huyện, thị xã, thành phố (thực hiện);
-GĐ và các PGĐ Sở (chỉ đạo);
-Bộ GDĐT (báo cáo);
-UBND Tỉnh (báo cáo);
-Ban TG/TU (báo cáo);
-Cục thuế (phối hợp);
-CĐ ngành GD (phối hợp);
-Các phòng CMNV Sở (phối hợp);
-Lưu: VT, TTr, S, 84b

Trần Thanh Liêm